Loading...

Tin tức hoạt động

"Đóng góp" nhiều nhất của DNNN là nặng nợ

23/04/2018

Tham gia Hội thảo định hướng phát triển các thành phần kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên chỉ ra nhiều điểm nghẽn cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế.

TS Thien:
DNNN "đóng góp" nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia. Ảnh: Dân trí

Những điểm nghẽn được ông Thiên điểm mặt như cấu trúc kinh tế của Việt Nam rời rạc, thiếu sự đan kết giữa các thành phần kinh tế; vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Việt Nam không có lực lượng phát triển, chỉ có yếu tố phát triển.

Cụ thể trong việc xác định vai trò của danh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang bị hiểu sai lệch, thậm chí những đóng góp của khu vực này đối với nền kinh tế rất hạn chế, còn là rào cản cho phát triển.

"Hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động của DNNN giảm mạnh. Hiện nay, DNNN "đóng góp" nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia - cục máu đông cản trở phát triển kinh tế lớn nhất. Thậm chí, DNNN còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp (mất vốn, gây lãng phí lớn) lẫn gián tiếp (làm méo mó môi trường kinh doanh)", tờ Tiền phong dẫn lời ông Thiên đánh giá.

Ông Thiên cho rằng, tình trạng nhiều dự án đắp chiếu, nhiều DN "xác sống", gánh nặng nợ (nợ xấu của khu vực DNNN) đang trở thành vấn nạn phát triển thật sự của nền kinh tế.

Trong khi đó, DNNN có nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền… nhưng hiệu quả kinh doanh còn thấp.

Mặc dù có 96,5% DNNN được cổ phần hóa nhưng tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán rất hạn chế, chỉ đạt khoảng 8%.

DNNN "đóng góp" nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên TS Trần Đình Thiên đề cập tới vấn đề này. Trước đó, khi nhận xét về DNNN, ông Thiên cũng chỉ ra hai trạng thái đối nghịch. Thứ nhất, DNNN vẫn góp phần to lớn trong sự phát triển của nền kinh tế và phát huy vai trò của kinh tế nhà nước.

Thực tế cho thấy những doanh nghiệp này vẫn "chốt giữ" những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng. Bên cạnh đó, DNNN vẫn là lực lượng vật chất quan trọng để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ quan trọng giúp ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của các "cú sốc" từ bên ngoài.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, DNNN chưa đóng tròn vai "lực lượng nòng cốt" của lực lượng kinh tế "chủ đạo", chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế.

Cụ thể, dù được giao trọng trách là "nòng cốt" của khu vực kinh tế chủ đạo, song các DNNN chưa thực sự làm tốt vai trò nòng cốt, mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển. Trên thực tế, nhiều khi DNNN lại là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp như mất vốn, gây lãng phí lớn, lẫn gián tiếp như méo mó môi trường kinh doanh...

Nó được minh chứng bởi thực trạng của nhiều dự án đắp chiếu, tạo gánh nặng nợ cho quốc gia.

Mặt khác, TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng so với nguồn lực được giao, với những ưu đãi, đặc quyền, hỗ trợ của Nhà nước… thì những đóng góp của DNNN là chưa tương xứng.

Một đặc điểm gây lo ngại cho hoạt động kinh doanh của các DNNN, theo TS. Trần Đình Thiên, là tình trạng "tay không bắt giặc". "Trong cấu trúc tài sản của DNNN, vốn tự có chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3-10 lần", ông nói.

Theo Thái An http://baodatviet.vn