Khi chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai 2003, quy định xóa bỏ hạn điền được nhất trí khá cao. Khi thảo luận ở Quốc hội, có đại biểu nghi ngờ việc xóa bỏ hạn điền với luận cứ rằng cha ông ta bao nhiêu đời mà chưa ai dám bỏ hạn điền. Thế là lại phải đưa hạn điền vào quy định của luật.
Gập ghềnh tìm động lực cho sản xuất
Ruộng đất luôn luôn là vấn đề lớn đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là ở các nước đang phát triển với kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP, nông dân cũng chiếm tỷ trọng rất cao trong dân số. Ngày nay, các nước phát triển cao cũng đặt mối quan tâm lớn vào khu vực nông nghiệp và nông thôn với ý nghĩa bảo đảm an ninh lương thực, giải quyết vấn đề môi trường. Nhìn xa hơn, khi tài nguyên hóa thạch cạn kiệt, loài người sẽ phải tìm kiếm nhiên liệu, nguyên liệu từ nông sản để tiếp tục phát triển. Quy hoạch mới nhất của Thủ đô nước ta đã định hướng phát triển một Hà Nội hiện đại nhưng đã để tới 70% không gian cho nông nghiệp.
Những người nông dân nước ta đang đóng vai trò nòng cốt trong mọi giai đoạn cách mạng nước ta. Khẩu hiệu "người cày có ruộng", "ruộng đất cho dân cày" đã tạo nên động lực cách mạng kêu gọi nông dân làm cách mạng. Năm 1953, cải cách ruộng đất đã thực sự đưa ruộng đất từ tay địa chủ về cho nông dân.
Tiếp theo, người nông dân tiếp tục thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp từ năm 1959, coi như cuộc cải cách ruộng đất thứ hai, hướng tới một sức mạnh tập thể tạo nên sản xuất lớn trên thửa đất lớn, cánh động rộng. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã đưa năng suất và sản lượng nông nghiệp nước ta lên vị trí hàng đầu trong các nước khu vực Đông Nam Á vào những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
![]() |
Sau ngày đất nước thống nhất, vào những năm 1980, mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã thể hiện mất toàn bộ động lực. Các xã viên hợp tác xã chỉ chăm lo cho mảnh ruộng 5% giao riêng cho mình, không quan tâm tới 95% đất do hợp tác xã quản lý. Sản lượng trên 5% diện tích sử dụng riêng đã chiếm già nửa sản lượng trên 95% diện tích sử dụng chung. Lúc đó, người ta gọi thửa ruộng 5% đó là mảnh đất thần kỳ.
Về lý luận, các nhà kinh tế thường giải thích là mô hình hợp tác xã chưa phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Thực tế hơn, lỗi ở đây là do người nông dân được làm chủ hợp tác xã của mình, hợp tác xã hoạt động theo ý chí của lãnh đạo UBND xã và tình trạng tham nhũng trong hợp tác xã không ngăn chặn được.
Quá trình tìm động lực mới cho sản xuất nông nghiệp bắt đầu từ năm 1981 với cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động (gọi là khoán 100, khoán theo Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng). Khoán như vậy vẫn chưa đủ động lực. Vào năm 1988, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 10 về cơ chế khoán ruộng đất cho người hộ gia đình, cá nhân xã viên (gọi là khoán 10).
Thực chất, cơ chế khoán 10 được coi như chủ trương chính trị, việc giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định đã được tiến hành ở khắp các địa phương. Người nông dân phấn khởi nhận ruộng về mình như đón nhận cuộc cải cách ruộng đất lần thứ ba.
Chính sách giao đất đã tạo nên động lực mới trong nông nghiệp và nông thôn. Chỉ sau 2 năm thực hiện, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba thế giới. Tiếp theo, nhiều loại nông sản nước ta đã được xếp vào nhóm đứng đầu trong xuất khẩu như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cá, tôm, v.v. Chính sách giao đất nông nghiệp này cũng được coi như thành tựu lớn nhất của những năm đầu đổi mới.
Việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đã làm nhưng mãi tới Luật Đất đai 1993 mới thể chế hóa được phương thức cụ thể. Nhà nước giao đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối không thu tiền cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định với hạn mức thời gian (thời hạn) và hạn mức diện tích (hạn điền) theo quy định. Thời hạn sử dụng 20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối, tương ứng mức hạn điền không quá 3 ha, cụ thể do Chính phủ quy định (3 ha đối với đồng bằng sông Cửu Long và 2 ha đối với các địa phương khác). Thời hạn sử dụng 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, tương ứng mức hạn điền do Chính phủ quy định (10 ha đối với đồng bằng và 30 ha đối với trung du và vùng núi).
Sau khoảng 10 năm thực hiện, các hộ gia đình nông dân căn cơ với nghề nông bắt đầu thấy thời hạn sử dụng đất ngắn lại và đi dần vào thời điểm hết hạn. Động lực suy giảm dần vì người sử dụng đất không yên tâm tập trung đất đai, phát triển kinh tế trang trại, đầu tư dài hạn. Từ một phía khác, nhiều người từ khu vực nông thôn có đất sản xuất nông nghiệp được giao, đã chuyển sang làm việc tại khu vực phi nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất bỏ hoang hoặc cho người khác thuê.
Bỏ hạn điền?
Đến năm 2013, thời hạn sử dụng đất đối với đất được giao sử dụng 20 năm đã hết. Nhà nước cần có quyết định làm gì khi đất sản xuất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng. Luật Đất đai mới phải có quy định để giải quyết vấn đề này.
Sự thực vấn đề này đã được xem xét kỹ khi xây dựng Luật Đất đai 2003. Trong thảo luận ở mọi cấp đều cho thấy gần như một nửa số lượng ý kiến muốn kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp tới 50 năm, thậm chí không thời hạn; còn một nửa số lượng ý kiến muốn chia lại đất khi hết thời hạn. Tỷ lệ ý kiến này cũng có chênh lệch giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam. Ý kiến của các tỉnh phía Bắc thiên về hướng chia lại ruộng đất, ý kiến của các tỉnh phía Nam lại muốn kéo dài thời hạn tới "vô cùng". Quyết định chính sách trong trường hợp này quả là khó khăn. Chính vì vậy mà vấn đề này vẫn để nguyên như quy định của Luật Đất đai 1993 trong Luật Đất đai 2003.
Bên cạnh vấn đề thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, việc quy định hạn điền cho đất nông nghiệp được coi như không có tác dụng trong hoàn cảnh hiện nay. Mặc dù mức hạn điền đã nới rộng từ Luật Đất đai 1993 sang Luật Đất đai 2003. Mức hạn điền theo Luật Đất đai 1993 được chuyển thành hạn mức Nhà nước giao đất trong Luật Đất đai 2003. Mức hạn điền theo Luật Đất đai 2003 là hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất, được xác định theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoảng gấp đôi hạn mức giao đất nói trên.
Trên thực tế, cũng có hai cách nhìn nhận về quy định hạn điền. Một luồng ý kiến cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn. Một luồng ý kiến ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp địa chủ mới và tầng lớp tá điền mới ở nông thôn.
Khi chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai 2003, quy định xóa bỏ hạn điền được nhất trí khá cao. Khi thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã có ý kiến nghi ngờ việc xóa bỏ hạn điền với luận cứ rằng cha ông ta bao nhiêu đời mà chưa ai dám bỏ hạn điền. Thế là lại phải đưa hạn điền vào quy định của pháp luật.
Trên thực tế hiện nay, các cơ quan quản lý không quản lý được hạn điền, không phát hiện được người sử dụng đất vượt hạn điền và cũng không xử lý được những người vượt hạn điền. Một quy định mà hoàn toàn không có tính khả thi. Kinh nghiệm quản lý ở nhiều nước khác cho thấy, người ta cũng không quan tâm nhiều tới hạn điền quy định một cách "cơ học" như ở ta. Diện tích đất sử dụng được điều chỉnh bằng công cụ thuế để tạo công bằng, phần diện tích nhiều hơn phải chịu thuế cao hơn. Việc địa chủ mới có hình thành được hay không lại phải giải quyết theo các quy định khác của pháp luật, không sử dụng công cụ hạn điền.
Các địa phương thực hiện giao đất trước đây đều thực hiện theo nguyên tắc công bằng, mỗi gia đình "có ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng gần, ruộng xa". Cách làm này tạo nên tình trạng ruộng đất quá manh mún. Theo ước tính, diện tích trung bình mỗi thửa ruộng chỉ khoảng 0,23 ha; mỗi hộ gia đình nắm giữ khoảng 0,66 ha. Trên tổng diện tích 10 triệu ha đất nông nghiệp, có khoảng 70 triệu thửa đất do khoảng 14 triệu hộ nông dân sử dụng. Ngữ cảnh này ngược lại hoàn toàn với chủ trương đưa đất đai vào hợp tác xã nông nghiệp để tập trung ruộng đất.
Việc tập trung ruộng đất vào tay những người căn cơ nghề nông để phát triển kinh tế trang trại là một chủ trương đã được ban hành và khuyến khích thực hiện. Trang trại có thể ở dạng cá thể hoặc tập thể. Đây là giải pháp duy nhất để tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đáng kể năng suất và sản lượng nhờ điều kiện có thể áp dụng các tiến bộ công nghệ.
Đầu tư cho nông nghiệp là một loại đầu tư có chu kỳ dài nếu muốn đầu tư đó mang lại năng suất và sản lượng rất cao. Thời hạn sử dụng đất ngắn không thể khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.
Để tạo động lực mới nhằm giải quyết tốt vấn đề TAM NÔNG, Luật Đất đai lần này cần quy định theo hướng:
1. Bãi bỏ quy định về hạn điền;
2. Có thể lựa chọn một trong hai cách xử lý thời hạn sử dụng đất: một là thời hạn sử dụng đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 99 năm; hai là xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Kèm theo các quy định này, cần có quy định cụ thể về giải quyết triệt để những trường hợp có đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Có thể giải quyết bằng cách Nhà nước thu hồi đất hoặc đánh thuê cao, cũng có thể kết hợp cả hai cách này.
Tác giả: Đặng Hùng Võ Theo vietnamnet.vn
Loại | Mua | Bán |
SBJ | 38,350 | 38,550 |