Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn 2016-2020 và định hướng thực hiện giai đoạn 2021 – 2025.
06/12/2020Ngày 2-3 tháng 12 năm 2020, Ban Chỉ đạo TW chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và UBND tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn 2016-2020 và định hướng thực hiện giai đoạn 2021 – 2025. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, chỉ đạo với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành có liên quan và lãnh đạo của hơn 40 tỉnh thành trong cả nước. Hội nghị đã nghe thảo luận và ý kiến của các đại biểu đại diện cho các nhà khoa học và nhà quản lý ở các tỉnh thành về các giải pháp thúc đẩy nhanh phát triển nông thôn ở những vùng khó khăn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và các đồng chí chủ trì Hội nghị, Ảnh: Văn Phúc, SGGP
Tham luận tại một phiên Hội thảo chuyên đề “Xây dựng mô hình NTM thôn, bản, ấp vùng ĐBKK phát triển bền vững gắn với bảo vệ, giữ vững an ninh, quốc phòng”, TS.Trần Văn Đạt, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi đại diện cho nhóm nghiên cứu cho rằng, phát triển kinh tế ở những vùng ĐBKK đã và đang trong quá trình thử nghiệm, thông qua nhiều mô hình khác nhau nhưng hiện vẫn chưa thực sự khẳng định được tính bền vững. Với đặc thù (thiếu hệ thống hạ tầng, thiếu các dịch vụ cơ bản, năng lực quản trị chưa cao, kỹ năng làm việc chưa tốt…) thì khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên ở vùng đặc biệt khó khăn cần được xem là một nguyên tắc, triết lý cho sự phát triển. Theo đó, tài nguyên đất, nước và rừng… cần được khai thác hợp lý để cải thiện sinh kế và môi trường cho cộng đồng. Hoạt động khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước và cung ứng dịch vụ thủy lợi được đảm bảo sẽ giúp người dân khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên khác, mở rộng các hoạt động sản xuất bền vững, tạo ra thu nhập, góp phần ổn định dân cư, tái đầu tư và tăng chi tiêu cho các hoạt động văn hóa, xã hội.
Mặc dù vậy, công trình thủy lợi ở vùng ĐBKK hiện nay hoặc không có, hoặc chưa hoàn chỉnh, thiếu công trình đầu mối, công trình dẫn nước. Công trình thủy lợi chủ yếu phục vụ sản xuất lúa truyền thống. Tổ chức quản lý vận hành công trình còn bị buông lỏng. Tuy hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước hiện đã khá đầy đủ nhằm hỗ trợ đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi nhưng chưa đi vào cuộc sống vì ở nhiều nơi, công tác tổ chức thực hiện còn gặp khó khăn.
TS. Trần Văn Đạt, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi trinh bày tham luận tại hội thảo chuyên đề, Ảnh Thanh Thủy, Yenbai.gov.vn
Để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở vùng ĐBKK trong thời gian tới, trên cơ sở phân tích thực trạng, đánh giá những cơ hội và thách thức, TS. Trần Văn Đạt đã đề xuất các nhóm giải pháp đồng bộ (công trình và phi công trình) đối với hoạt động thủy lợi ở vùng ĐBKK. Một số kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước cũng được nhấn mạnh. Cụ thể như: cần xây dựng Đề án “Phát triển thủy lợi nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên ở vùng ĐBKK, phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”; cần biên soạn và ban hành hướng dẫn “Xây dựng dự án thủy lợi nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên ở vùng ĐBKK, phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025” để chính quyền các cấp ở địa phương thuận tiện trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Báo cáo của Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi đã được các thành viên tham dự Hội thảo đánh giá cao. Kết luận Hội thảo, đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận đề xuất có tính đột phá của các nhà khoa học, ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan trung ương và địa phương để hoàn chỉnh nội dung chương trình xây dựng nông mới cũng như xây dựng chính sách trong thời gian tới.
Đinh Văn Đạo