Loading...

Tin tức hoạt động

Nghiệm thu, đánh giá cơ sở đề tài cấp Quốc gia thuộc Chương trình KC08/16-20

29/12/2020

Báo cáo trước Hội đồng, Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Văn Đạt cho biết trong những năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều loại hình thiên tai. Trong đó có lũ quét và sạt lở đất xảy ra thường xuyên, đã làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người, hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi; hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa mùa bị ngập, hàng 

TS. Trần Văn Đạt -Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại hội nghị

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về các giải pháp ứng phó với lũ quét và sạt lở đất đã thực hiện tuy nhiên các nghiên cứu này phần lớn đều tập trung vào lĩnh vực khoa học tự nhiên. Một số nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất đá cũng mới chỉ hướng tới làm rõ bản chất, cơ chế hình thành các biến cố thiên tai; một số các dự án, chương trình liên quan đã tiến hành phân vùng nguy cơ, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai; một số giải pháp về mặt công trình đã được các nhà khoa học đề xuất.

TS. Trần Văn Đạt cho biết hiện nay chưa có một nghiên cứu nào giải quyết về thể chế, chính sách nhằm kiểm soát các hiện tượng thiên tai trong đó đặc biệt kiểm soát lũ quét và sạt lở đất. Chính vì vậy nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất đá ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Toàn cảnh hội nghị

Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của đề tài đã có một số đóng góp mới có thể kể đến đó là: Đã xây dựng được phương pháp luận nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến lũ quét và sạt lở đất, đá.

Đề tài đã đánh giá được thực trạng hệ thống thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực phòng, chống thiên tai nói chung, lũ quét và sạt lở đất đá nói riêng. Theo đó, hiện có các văn bản luật và chính sách trực tiếp liên quan đến lĩnh vực phòng, chống thiên tai gồm: 4 luật chuyên ngành; 22 văn bản chính sách ở cấp Chính phủ (Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ); 12 văn bản chính sách ở cấp Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ (Thông tư, Quyết định Bộ trưởng); hàng chục văn bản chính sách ở cấp tỉnh (mỗi tỉnh trong vùng nghiên cứu có từ 8 đến 31 văn bản chính sách).

Các vấn đề nổi cộm bao gồm: cơ chế phối hợp của cơ quan phòng chống thiên tai ở các Bộ, ngành với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai còn thiếu gắn kết, đặc biệt là phối hợp triển khai công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương có liên quan; hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai ở địa phương cả về số lượng và chuyên môn; cơ chế phân bổ kinh phí, hỗ trợ của Nhà nước trước, trong và sau thiên tai chưa phù hợp; quản lý tài chính (bao gồm cả các Quỹ) chưa linh hoạt, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai (đặc biệt trong các tình huống phải ứng phó nhanh với lũ quét và sạt lở đất đá); quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện còn thiếu và một số chưa phù hợp. Ngoài ra, đầu tư trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai ở khu vực miền núi phía Bắc còn thấp; thiếu cả công trình, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm hay nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá thực trạng triển khai quản lý rủi ro lũ quét và sạt lở đất, đá. Tiêu chí đánh giá thực trạng triển khai quản lý rủi ro lũ quét và sạt lở đất, đá được rút ra từ kết quả phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả phòng, chống lũ quét và sạt lở đất đá (từ phân tích khoa học; phân tích nội dung điều chỉnh của hệ thống pháp luật, chính sách; các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét tiềm năng, đang được thực hiện ở các địa phương). Bộ tiêu chí đã được kiểm định trước khi sử dụng đánh giá thực trạng triển khai quản lý rủi ro lũ quét và sạt lở đất, đá ở vùng nghiên cứu.

Đề tài cũng đã xây dựng được mô hình thực nghiệm (dựa trên tương quan giữa thực trạng các hoạt động phòng chống lũ quét và sạt lở đất, đá ở các địa phương với hiệu quả giảm thiểu tổn thất và thiệt hại) để phân tích đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách). Dựa vào các ma trận số liệu (đầu vào là kết quả lượng hóa thực trạng các hoạt động phòng, chống lũ quét và sạt lở đất đá, đầu ra là hiệu quả phòng chống lũ quét và sạt lở đất đá), đề tài đã xây dựng được mô hình thực nghiệm thông qua ứng dụng công cụ phân tích khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis).

Đề tài đã đề xuất được phương án hợp lý để hoàn thiện thể chế chính sách giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất đá phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước và tính đặc thù của địa phương. Đề tài đã đề xuất được 52 nội dung (vấn đề chính sách) cần hoàn thiện. Một số nội dung đã được điều chỉnh trong Luật số 60/2020/QH14 (thông qua trong thời gian đang thực hiện đề tài), một số nội dung thuộc các văn bản chính sách đang còn hiệu lực thực hiện và một số nội dung cần được điều chỉnh bởi các văn bản chính sách mới. Các văn bản pháp luật, chính sách cần chỉnh sửa, bổ sung tập trung vào một số văn bản chính sách đang còn hiệu lực

Chủ tịch hội đồng PGS.TS Nguyễn Tùng Phong - Phó giám đốc Viện KHTLVN điều hành phiên họp

Tiếp theo đó, các thành viên trong Hội đồng đã đọc các ý kiến phản biện, nhận xét và đưa ra nhiều góp ý có giá trị giúp Chủ nhiệm Đề tài TS. Trần Văn Đạt và nhóm thực hiện chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi họp nghiệm thu chính thức.

Đề tài được hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá: Đạt yêu cầu.

Theo vawr.gov.vn