Hoàn thiện chính sách quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi
27/11/2015Hoàn thiện khung thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi (CTTL) được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất hiện nay, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả đạt được là rất lớn.
Đây được coi là hành động thiết thực nhất để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bài viết phân tích và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện khung thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CTTL hiện có.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CTTL cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách được cho là quan trọng nhất. Hoàn thiện thể chính sách quản lý, khai thác CTTL để xóa bỏ hoàn toàn cơ chế bao cấp, cơ chế quản lý theo mệnh lệnh hành chính và phân phối theo hình thức "cào bằng"; tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và quyền tự chủ SXKD của doanh nghiệp (DN).
Hoàn thiện các cơ chế chính sách để các DN hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường; minh bạch hóa các quan hệ hệ kinh tế, khắc phục tình trạng công - tư chồng chéo và quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu. Phân phối thu nhập phải dựa vào kết quả đầu ra, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm. Như vậy mới tạo được động lực cho phát triển, phát huy tính năng động sáng tạo của người lao động, phát huy vai trò chủ thể của người hưởng lợi, đẩy mạnh xã hội hoạt động thủy lợi phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Để hoàn thiện thể chế chính sách tạo động lực nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CTTL, xin đề xuất một số giải pháp sau:
1) Quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CTTL theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tạo sự nhất trí cao trong tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hơn nữa nhận thức và có chương trình hành động cụ thể phù hợp với từng cấp, từng đơn vị trong ngành.
2) Khẩn trương xây dựng, rà soát, sửa đổi bổ sung khung thể chế chính sách nhằm chuyển đổi phương thức hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác CTTL phù hợp với cơ chế thị trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Thủy lợi thay thế Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL số 32/2001/PL-UBTVQH10 hiện đã quá bất cập và mâu thuẫn với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác tạo lập khung pháp lý để tổ chức thực hiện.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách để các tổ chức quản lý, khai thác CTTL hoạt động theo cơ chế thị trường, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân theo phương thức đối tác công tư, từng bước hình thành thị trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
Trước mắt tập trung xây dựng, ban hành bộ định mức kinh tế - kỹ thuật; hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ; quy định nội dung và phương pháp đánh giá nghiệm, thanh toán theo kết quả đầu ra; hướng dẫn lập giá, đơn giá... để thực hiện ngay phương thức đặt hàng, tiến tới đấu thầu theo quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về SX cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.
Sửa đổi bổ sung quy định về phân cấp quản lý, khai thác CTTL theo hướng trao quyền và trách nhiệm cho người hưởng lợi, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong quản lý, khai thác CTTL. Sửa đổi chính sách miễn, giảm thủy lợi phí, thí điểm áp dụng cơ chế chi trả tiền miễn giảm thủy lợi phí trực tiếp cho các đối tượng được miễn giảm.
3) Điều chỉnh cơ chế chính sách đầu tư thủy lợi theo hướng ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, công trình trên kênh để bảo đảm thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tưới tiêu; đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ khu vực duyên hải Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư tu sửa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước; đầu tư áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và áp dụng mô hình canh tác thông minh (SRI).
Triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành thủy lợi theo Quyết định số 794/QĐ-BNN-CTTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
4) Củng cố hoàn thiện bộ máy quản lý, khai thác CTTL. Rà soát điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm đảm quản lý thống nhất theo ngành tránh chồng chéo; phân tách rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu nhà nước; chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công của nhà nước; chú trọng củng cố bộ máy quản lý nhà nước về thủy lợi ở cấp huyện và cấp xã nhất là các địa bàn vùng núi, vùng sâu vùng xa.
Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý thủy lợi phù hợp với quy mô, phạm vi và loại hình công trình cho phù hợp với từng hệ thống CTTL, như Hội đồng Quản lý, khai thác CTTL liên tỉnh, cấp tỉnh và mô hình Ban Quản lý dịch vụ thuỷ lợi. Rà soát đánh giá và phân loại các DN nhà nước quản lý, khai thác CTTL, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới theo quy định tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý thủy nông cơ sở phù hợp với mô hình xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm SX và tập quán sinh sống của nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân.
5) Đổi mới cơ chế chính sách tài chính về quản lý, khai thác CTTL. Đổi mới cơ chế chính sách tài chính theo hướng tạo khung pháp lý để huy động, tạo lập các vốn của xã hội và sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm tài chính bền vững cho các đơn vị quản lý, khai thác CTTL.
Giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của các đơn vị về tài chính, sử dụng lao động, kế hoạch SX, liên doanh liên kết và phân phối thu nhập. Hỗ trợ, ưu đãi các hoạt động kinh doanh khai thác tổng hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của công trình tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước. Có chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến.
6) Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực quản lý, khai thác CTTL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam, Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9/10/2009, số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011.
Có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao năng lực cho số cán bộ hiện có. Đổi mới cơ chế chính sách trả lương trả thưởng dựa theo kết quả đầu ra tạo môi trường và động lực phát huy tính năng động sáng tạo của người lao động, thu hút nhân tài.