Ruộng cạn... bên cạnh công trình thủy lợi
27/11/2015 Đập Phai Nghiều xã Đồng Bục (Lộc Bình) xây dựng từ năm 2001 không phát huy hiệu quả
Trên cánh đồng Khòn Quắc 1, anh Hoàng Văn Thuận đang cặm cụi dùng xẻng khơi thông dòng chảy đưa nước vào ruộng. Vừa làm anh vừa phân trần, những giọt nước này rất quý, chỉ có mưa mới có nên anh tranh thủ dẫn được ít nào hay ít đó kẻo 3 sào ruộng công không, bởi lúa đang bước vào “thì con gái”, rất cần nước. Ngay cạnh đó, hơn 2 sào củ đậu của chị Lương Thị Tới “nắng hạn gặp mưa rào” đã dần xanh tốt trở lại. Chị cho biết, cách đây mấy hôm, trời nắng nóng, từng cây củ đậu của chị còi cọc, chuyển mầu vàng úa vì thiếu nước, may mà có trận mưa nên đến giờ đang hồi phục. Lý giải về điều này anh Thuận, chị Tới bức xúc, cách đây chưa đầy 1 km, thôn có đập thủy lợi Phai Nghiều có thể dự trữ và cung cấp nước tưới cho 10 ha đất nông nghiệp nhưng từ khi xây dựng đến nay đã 11 năm công trình chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân bởi công trình không được đầu tư đồng bộ, ngoài đập dâng dự trữ ra, tuyến mương dài khoảng 800 m không được xây dựng, hiện vẫn là mương đất nên nước chảy từ đập ra bị rò rỉ không đến được giữa và cuối nguồn. Hàng năm, vào vụ cấy lúa xuân, anh Thuận và các hộ dân trong thôn phải bơm nước 3 lần với chi phí mua dầu mất 300.000 đồng cho đám ruộng 3 sào. Chị Tới thì chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu nhưng cũng tiêu tốn không ít công sức và chi phí đầu vào do phải chạy máy bơm nên không có lãi.
Cách đó không xa, cánh đồng Pò Vèn cũng phải chịu chung số phận, hơn 10 ha đều bị nứt nẻ khi trời nắng nóng. Chỉ tay về cánh đồng, ông Chu Văn Slim - Trưởng thôn Pò Vèn cho biết, để trồng được lúa và hoa màu, 57 hộ dân trong thôn phải dùng máy bơm đưa nước về đồng, trung bình vào vụ sản xuất đông xuân, mỗi hộ bỏ từ 300.000 - 500.000 đồng mua dầu bơm nước tùy theo diện tích đất, khiến thu nhập của người dân từ lúa và hoa màu không có lãi. Mặc dù ở đầu nguồn suối Vèn có đập thủy lợi Phai Keo với năng lực tưới hơn 10 ha đất nông nghiệp của thôn và thôn lân cận, nhưng 4 năm nay không sử dụng được. Sở dĩ như vậy cũng là do đầu tư không đồng bộ, chỉ xây dựng công trình đầu mối, hệ thống mương là mương đất, toàn bộ nước bị rò rỉ hết nên chỉ có khoảng hơn 1 ha đất gần đập có nước, còn lại đều trông chờ vào thiên nhiên. Để khắc phục tình trạng này, bà con trong thôn cũng nạo vét, phát quang tuyến mương, dùng bao tải, đá hộc đắp vào những điểm rò rỉ nhưng không cải thiện được là bao. Ông Lường Văn Pảo - Chủ tịch UBND xã Đồng Bục cho biết, công trình thủy lợi Phai Nghiều được huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng từ năm 2001, đập Phai Keo xây năm 2008 với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Hai công trình có năng lực tưới khoảng 30 ha đất nông nghiệp thôn Khòn Quắc 1, Pò Vèn cùng các thôn lân cận trong xã, nhưng từ khi xây dựng đến nay không phát huy hiệu quả do việc đầu tư không đồng bộ. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện nhưng chỉ dừng ở việc sửa chữa những điểm rò rỉ để chống hạn trước mắt chứ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố tuyến mương. Cánh đồng Khòn Quắc và Pò Vèn có diện tích lớn nhất xã, nếu tình trạng này kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân và quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Bục.
Ông Lý Quang Ngọc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết, do nguồn kinh phí sự nghiệp thủy lợi được cấp hàng năm ít nên chỉ khắc phục tạm thời những điểm rò rỉ, hư hỏng thuộc tuyến mương Phai Nghiều, Phai Keo xã Đồng Bục. Hiện Phòng đã khảo sát xong 2 tuyến mương trên trình cấp trên xem xét, nếu có kinh phí sẽ tiến hành đầu tư kịp thời.
Theo http://baolangson.vn