Loading...

Dịch vụ tư vấn

3 nhất nơi quan xã

27/11/2015

 Xã và một chồng mệnh lệnh cấp trên

Xã là mắt xích cuối cùng của bộ máy công quyền quốc gia. Xã là nơi đảm nhận và thực thi mọi chủ trương, chính sách của cấp trên. Xã là chiếc cầu gắn kết trách nhiệm nhà nước với công dân. Xã là cánh tay nối dài của nhà nước trung ương đến cơ sở. Và vì thế mỗi cấp mỗi ngành ra một chỉ thị, một nghị quyết, một chủ trương, chính sách thì về đến xã là một chồng mệnh lệnh cấp trên. Quán triệt, nhận thức, tổ chức hoạt động; làm việc gì trước, việc gì sau, làm như thế nào, ai làm, nguồn lực tài chính lấy ở đâu... là cả một bài toán nan giải khổng lồ.

Vì thế có lúc tôi đã tổng kết: “Lu bù là xã, vất vả là huyện, lắm chuyện là tỉnh, đủng đỉnh là trung ương”. Ở xã mọi việc làm của cán bộ được nhân dân giám sát chặt chẽ hàng ngày: Đúng thì khen, dở thì chê bộc trực nghiêm túc, thẳng thắn. Do vậy đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, động viên cán bộ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ là bổn phận trách nhiệm, đạo lý tình nghĩa của cấp trên, theo hướng xã mạnh thì cấp trên mạnh, xã yếu là cấp trên yếu.

Được việc, dễ sai phạm?

Về lương và phụ cấp thấp nhất, mọi chế độ nhà nước dành cho cán bộ cấp xã rất thấp so với cống hiến và công sức đổ ra; không khuyến khích động viên cán bộ làm việc hết mình vì cơ sở. Trong khi nguồn thu ở xã rất nghèo, các khoản chi cho cấp xã định mức quá khắt khe. Để được việc, nhiều khi cán bộ phải vận dụng tức thì được lòng dân nhưng sai chế độ; xử thì mất cán bộ, không xử thì không giữ được kỷ cương.

Trên thực tế cơ chế chính sách của chúng ta hiện nay có lúc, có nơi, có việc không làm sai không làm được. Không làm sai không sống được. Không làm sai không tồn tại được. Cũng có người nói cơ chế của chúng ta đang dọa người non gan và bẫy người tích cực. Hay nói nhẹ nhàng hơn là muốn làm đúng sẽ rất khó làm và không làm được bao nhiêu, vì vậy không ít cán bộ phải vận dụng được việc nhưng dễ sai phạm. Đó là một thực tế đang diễn ra hàng ngày ở cơ sở.

Thế mới biết cha ông mình ngày xưa rất hiểu và tâm lý với cán bộ, thể hiện trong chính sách Bảo Liêm của Nguyễn Trường Tộ và phép làm Liêm của vua Minh Mạng “làm quan không được làm nơi bản xứ. Đi đâu vợ con cùng đi và ở nhà công sở. Ba năm luân chuyển một lần. Lương đủ sống, khó khăn trợ cấp tức thời. Mãn quan thì về quê, chế độ đất đai nhà ở Triều đình ban thưởng rõ”.

Thiết nghĩ Đảng và Nhà nước ta nên kế thừa bài học cha ông để thể chế rõ hơn trong cơ chế mới thì cán bộ cơ sở sẽ hăng hái phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bù đắp vật chất, tinh thần xứng đáng với cống hiến của mình.

Bài học cho cấp ủy

Thời vua Lê Thánh Tông chọn lý trưởng (cấp gần dân nhất) để xác định tiêu chí cán bộ, mãi đến nay vẫn còn nguyên giá trị. “Học lực sinh đồ; Gia tư hảo túc; Vật lực khả kham; Đức hạnh ôn hòa; Ngôn ngữ khả tín”. Nhân dân ta đã từng tổng kết “Quan đần dân khổ”. Thực tế này còn đúng mãi với thời gian.

Chế độ ta đến nay đã kinh qua 82 năm có Đảng, 69 năm có chính quyền mà chỉ riêng một chức danh chủ tịch xã xét về mặt bằng cấp, học vị cũng đủ loại: Cấp 1, cấp 2, cấp 3, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học đều có. Chưa nói đủ kiểu học như tại chức, từ xa, trực tuyến... Nhiều kiểu trường đào tạo: huyện, tỉnh, ngành, trung ương, quốc tế.

Điều đó nói lên chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến cán bộ cấp xã cả đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, và chính sách cán bộ. Vì thế, cán bộ có trình độ khác nhau thì phong trào ở cấp xã rất khác nhau. Đây là một bài học đòi hỏi các cấp ủy Đảng và chính quyền phải quan tâm đến cán bộ cơ sở, nhất là xã, để chế độ ta luôn vững mạnh từ gốc, từ địa bàn cơ sở.

Theo http://vietnamnet.vn