Đổi mới chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp
01/12/2015
Tuy nhiên, sau 4 năm gia nhập WTO, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cả khoa học kỹ thuật và tài chính nhằm nâng cao đời sống cho người nông dân như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ giống, ưu đãi tín dụng, thu mua thóc với giá cao,... nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tăng giảm thất thường, với tỉ lệ chỉ từ 5-6%/năm, giảm còn 3,5% vào năm 2009; tăng trưởng GDP của ngành còn thấp hơn nữa, từ 3-4%/năm giảm còn 2,5% năm 2009. Phải chăng, chính sách của chúng ta chưa đủ, hay còn nhiều bất cập, chưa tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Trong phạm vi bài viết nay, tôi xin đề cập đến chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp, thủy lợi phí, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đề xuất một số giải pháp để các chính sách phát huy được hiệu quả.
1. Chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp:
Với mục tiêu khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm nhẹ đóng góp cho nông dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2003/QH11 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2003 - 2009 và Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020, nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp được miễn giảm thuế nông nghiệp theo 2 mức 50% (phần diện tích ngoài hạn điền) và 100% (trong hạn điền). Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm Nhà nước đã miễn giảm cho trên 11,2 triệu hộ nông dân với tổng số thuế miễn, giảm 1,85 triệu tấn quy thóc, thành tiền là 2.837 tỷ đồng (tính bình quân theo giá thực tế). Tổng diện tích trồng lúa của cả nước khoảng 3,8 triệu ha. Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách miễn giảm chưa gắn được trách nhiệm của nông dân với quy hoạch và trách nhiệm với xã hội về chất lượng nông lâm thủy sản, dẫn đến phổ biến tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, dư lượng chất độc hại trong nông sản lớn, ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe của toàn dân. Vì vậy, tôi xin đề xuất chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp như sau:
- Nông dân bố trí cây trồng, vật nuôi phải đảm bảo đúng yêu cầu quy hoạch: Hàng năm, các cơ quan quản lý Nhà nước (Trung ương và địa phương) sẽ công bố quy hoạch sản xuất theo từng loại hàng hóa nông sản cụ thể cho từng vùng, khu vực. Trong quy hoạch đề cập rõ hiện trạng, nhu cầu tương lai, giá cả thị trường, ... Người nông dân sẽ được cơ quan nông nghiệp địa phương tư vấn lựa chọn và đăng ký loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch. Với cách làm này, sẽ giúp nông dân không phải “tự mò”, không phải thay đổi cây trồng như thay áo, “nay trồng lúa, mai đào ao nuôi tôm, ngày kia lấp ao trồng lúa”. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có số liệu chính xác về sản lượng, dự báo thị trường từng loại hàng hóa để đưa ra chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng.
- Nông dân phải trồng trọt, chăn nuôi phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm: Đây là bài toán chưa tìm được lời giải, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản tràn lan. Trên cơ sở loại hàng hóa nông sản mà người nông dân đã đăng ký, cơ quan nông nghiệp địa phương sẽ giám sát chặt chẽ việc sử dụng các loại vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, … Nông dân mua vật tư phải có hóa đơn tài chính, giúp các cơ quan Nhà nước đánh giá mức độ sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng; đồng thời, việc bắt buộc có hóa đơn tài chính, Nhà nước sẽ quản lý được các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
- Đề xuất mức miễn giảm thuế nông nghiệp: Mức tối thiểu 50% cho diện tích trong hạn điền. Nếu người nông dân trồng trọt đúng quy hoạch, được miễn giảm thêm 25%. Nếu người nông dân trồng trọt đúng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, … đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được miễn giảm thêm 25%.
2. Chính sách miễn giảm thủy lợi phí:
Ngày 28/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 sửa đổi bổ sung Nghị định 143/NĐ-CP, trong đó quy định về mức thu và miễn, giảm thuỷ lợi phí. Mục tiêu của việc miễn giảm thủy lợi phí nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm Nhà nước đầu tư miễn giảm khoảng trên 3.000 tỷ đồng và các tỉnh tự cân đối kinh phí đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc miễn giảm thủy lợi phí đã tạo ra tâm lý ỷ lại trong nông dân, không sử dụng nước tiết kiệm, không phù hợp với nhu cầu nước của cây trồng (ví dụ như cây lúa, tưới phải theo quy trình “nông lộ phơi”, có thời gian để phơi, lộ ruộng, nhưng nông dân luôn đòi hỏi tưới ngập cả vụ), thậm chí có tình trạng lấy nước kênh tưới xả xuống kênh tiêu, … coi nước như của “trời cho”. Theo tính toán, nếu chỉ tiết kiệm được 10% lượng nước tưới cho lúa, mỗi năm tiết kiệm được trên 3 tỷ m3, trong khi đó vốn đầu tư xây dựng hồ chứa Định Bình - Bình Định dung tích 200 triệu m3 đã trên 2.000 tỷ đồng (năm 2000). Như vậy, nếu nông dân sử dụng nước tiết kiệm, chống lãng phí sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho xã hội rất lớn. Vì vậy, rất cần một chính sách hỗ trợ thủy lợi phí thúc đẩy người nông dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh tình trạng chúng ta phải hô hào như hiện nay. Về vấn đề này tôi xin đề xuất như sau:
- Việc cung cấp nước tưới đều phải thông qua các công trình thủy lợi, mỗi cánh đồng, mỗi khu tưới phải thành lập một tổ liên kết (có thể gọi là Tổ hợp tác dùng nước), Tổ có trách nhiệm ký kết hợp đồng, nghiệm thu với đơn vị cung cấp nước theo từng đợt. Số liệu lượng nước sử dụng và các chi phí liên quan là căn cứ để so sánh với lượng nước sử dụng theo quy trình kỹ thuật, xác định lượng nước sử dụng tiết kiệm có mức miễn giảm cho phù hợp. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là ban hành các quy trình tưới nước tiết kiệm cho từng loại cây trồng, ở từng vùng.
- Đề xuất mức miễn giảm thủy lợi phí: 50% miễn giảm theo diện tích trong hạn điền, 50% miễn giảm khi nông dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, đúng quy trình kỹ thuật.
3. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đầu tư các dự án:
Trong những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ lãi xuất, giảm thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, hỗ trợ giống, … Tuy nhiên, giá vật tư đầu vào đến tay người nông dân vẫn rất cao, phải chăng thay vì hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, chúng ta hỗ trợ thẳng cho người nông dân theo định mức quy trình kỹ thuật (giống, vật tư). Nếu người nông dân sử dụng nước tiết kiệm, lựa chọn cây trồng đúng theo quy hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGap sẽ được hỗ trợ của Nhà nước. Căn cứ vào định mức và số lượng vật tư, lượng nước tưới sử dụng đúng quy trình kỹ thuật là cơ sở các cơ quan quản lý đánh giá, xác định mức hỗ trợ. Tổng kinh phí hỗ trợ sẽ được chuyển qua ngân hành chính sách. Nông dân sẽ nhận kinh phí hỗ trợ tại ngân hàng.
Hiện nay có 2 lực lượng cán bộ đang hưởng lương Nhà nước, quản lý nông nghiệp trên địa bàn từng xã (thậm chí có nơi đến tận thôn, bản): Cán bộ khuyến nông và cán bộ thủy nông. Vì vậy tôi xin đề xuất phương án triển khai như sau:
- Theo thống kê, cả nước có trên 31.000 cán bộ khuyến nông và hàng chục nghìn cộng tác viên thôn bản. Đây chính là lực lượng để giúp Nhà nước quản lý, đánh giá các hộ nông dân trồng trọt đúng quy hoạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tính toán xác định mức miễn giảm thuế nông nghiệp và các mức hỗ trợ tài chính.
- Cán bộ thủy nông là lực lượng tính toán, đánh giá, hướng dẫn người nông dân sử dụng nước tiết kiệm, xác định mức miễn giảm thủy lợi phí.
- Căn cứ vào kết quả tính toán của các tổ chức được giao nhiệm vụ như trên, Chính phủ giao cho Ngân hàng chính sách chịu trách nhiệm thu các khoản nông dân phải nộp (thuế, thủy lợi phí) do không thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật và thanh toán các khoản hỗ trợ của Nhà nước (giống, vật tư nông nghiệp).
Theo tài liệu nghiên cứu, 80% thu nhập của nông dân tại các nước Châu Âu từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ để người nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo quy hoạch và vệ sinh an toàn thực phẩm, … Mức hỗ trợ của nước ta cũng rất lớn. Tuy nhiên, cách hỗ trợ của chúng ta chưa gắn với trách nhiệm của nông dân, hoặc chính sách chưa rõ ràng, người nông dân chưa được hưởng lợi, gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe cho xã hội. Nông sản sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap được hỗ trợ như trên, sẽ giúp nông dân hoàn toàn có thể cạnh tranh với các loại nông sản thông thường, thu nhập cao hơn vì ngoài tiền bán hàng, người nông dân còn được miễn giảm 100% thuế nông nghiệp, 100% thủy lợi phí và được hỗ trợ tài chính. Thiết nghĩ, đây là chính sách rất nhiều nước đã áp dụng, vì vậy, chúng ta cần phải có nghiên cứu tổng thể, đánh giá các chính sách hỗ trợ (kinh phí đã chi, ưu, nhược điểm) để đưa ra giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả sản xuất của nông dân và giảm thiệt hại cho xã hội.