Hội nghị đánh giá hoạt động Khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết lần thứ VII- BCHTWĐ Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn
30/11/2015Cùng dự và chủ trì hội nghị gồm có Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết lần VII – BCHTƯĐ Khóa X đã tới dự và chỉ đạo đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Nghị quyết Trung ương VII có vài trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước, phản ánh được nguyện vọng của nhân dân, là nền tảng để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong những thập kỷ tới. Vì vậy Nghị quyết VII đã thực sự đi vào cuộc sống, gắn kết ý Đảng với lòng dân nên đã được toàn thể nhân dân ủng hộ và nhiệt tình thực hiện. Chủ tịch khẳng định “Khoa học công nghệ lúc này có một yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Tôi mong rằng các nhà khoa học tiếp tục đánh giá để thấy những việc cần làm tốt hơn để thúc đẩy nông nghiệp nước ta trong giai đoạn mới. Trong 5 năm gần đây, nông nghiệp đã cứu cánh cho khó khăn nền kinh tế nhưng tốc độ đã chậm lại. Cạnh tranh thị trường thế giới lớn, cơ hội lớn, thách thức nhiều… đòi hỏi chúng ta phải thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo khoa học công nghệ cho nông nghiệp, nông dân và khu vực nông thôn.” Sau 5 năm triển khai thực hiện, việc tổ chức đánh giá sơ kết Nghị quyết 7 là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh nội dung, kế hoạch cho sát với thực tiễn và các biến động kinh tế xã hội trong và ngoài nước.
Để phát triển nông nghiệp và nông thôn, vai trò của KH&CN có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa là yếu tố then chốt nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới áp lực cạnh tranh ngày càng cao, KH&CN phải là đòn bẩy, cứu cánh để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững. Đặc biệt là trong những thập kỷ tới, khi mà các lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và lao động không còn nữa, thì KH&CN, giáo dục đào tạo là hai yếu tố có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với sự nghiệp phát triển tiếp theo của nông nghiệp nước ta, phát triển nông nghiệp là tiền đề thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ
Tại hội nghị, các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý và đại diện một số doanh nghiệp đã ghi nhận những kết quả KH&CN đã đạt được trong hơn 5 năm qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại cần phải khắc phục như hàm lượng khoa học trong giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp so với các nước trong khu vực, các kết quả nghiên cứu KH&CN chậm được ứng dụng vào thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu bức thiết của nông dân,…. Bởi vậy cần phải nhìn nhận trách nhiệm của KH&CN đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống nông dân. Các nhà khoa học đã nêu rõ các bật cập của cơ chế chính sách đang cản trở đến hoạt động KH&CN, vì vậy cần nhanh chóng tổ chức hướng dẫn Luật khoa học công nghệ sửa đổi, tháo gỡ các bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế xét duyệt nghiệm thu đề tài, mối liên kết giữa khoa học-doanh nghiêp-nông dân, chính sách đãi ngộ thỏa đáng với các tổ chức cá tham gia nghiên cứu, chuyển giao KH&CN; thu hút mạnh hơn nữa thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp cho sự nghiệp phát triển "tam nông" của đất nước và yêu cầu các bộ, ngành cần phải nhanh chóng thảo gỡ các vướng mắc tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển KH&CN. Đặc biệt, phải đưa KH&CN vào tất cả các quy trình sản xuất nông nghiệp, tăng cường mối liên kết giữa KH&CN,doanh nghiệp và người nông dân đề cao giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo không ngừng tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Tăng cường và duy trì tốt mối liên kết giữa sản xuất, trồng trọt với tiêu thụ hàng hóa, không ngừng tìm kiếm mở rộng thị trường theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.